Ứng dụng siêu âm trong điều trị đau và PHCN

Tác dụng đầu tiên của siêu âm trong tổ chức là tác dụng cơ học, do sự lan truyền của sóng siêu âm gây nên những thay đổi áp lực tương ứng với tần số siêu âm, tạo nên hiện tượng gọi là xoa bóp vi thể.

Với tần số càng lớn (3MHz), sự thay đổi áp lực nhanh hơn so với tần số thấp (1MHz). Sự thay đổi áp lực gây ra:

  1. Thay đổi thể tích tế bào.
  2. Thay đổi tính thấm màng tế bào.
  3. Tăng chuyển hóa.

Tác dụng cơ học phụ thuộc vào cường độ siêu âm (W/cm2) và chế độ liên tục hay xung.

Tác dụng nhiệt của siêu âm

Sự sinh nhiệt trong tổ chức do tác dụng của siêu âm là do hiện tượng cọ xát chuyển từ năng lượng cơ học sang năng lượng nhiệt. Đối với siêu âm, có thể tác động tới độ sâu 1/2 từ 3-5cm.

Để tăng nhiệt độ mô mềm ở độ sâu trên 8cm, cần dùng siêu âm với cường độ lớn hơn 1,5w/cm2. ở độ sâu dưới 8cm có thể dùng siêu âm cường độ 1w/cm2. Khi nghiên cứu tác dụng sóng ngắn, vi sóng và siêu âm để làm tăng nhiệt độ khớp háng thì thấy chỉ có siêu âm mới có thể làm tăng nhiệt độ tới mức có hiệu lực điều trị.

Tác dụng sinh học của siêu âm

Từ tác dụng cơ học và tác dụng sinh nhiệt dẫn đến hàng loạt tác dụng sinh học tạo nên hiệu quả siêu âm điều trị là:

  • Tăng tuần hoàn và dinh dưỡng do tăng nhiệt độ, tăng tính thấm của mạch máu và tổ chức.
  • Giãn cơ do kích thích trực tiếp của siêu âm lên các thụ cảm thể thần kinh.
  • Tăng tính thấm của màng tế bào.
  • Kích thích quá trình tái sinh tổ chức.
  • Tác dụng lên hệ thần kinh ngoại vi.
  • Giảm đau.

Chỉ định điều trị

  • Tổn thương xương, khớp và cơ sau chấn thương: bầm tím, bong gân, sai khớp, gãy xương.
  • Viêm khớp dạng thấp mãn, thoái khớp, bạnh Bachterew, viêm bao hoạt dịch, viêm cơ.
  • Đau thần kinh ngoại vi, đau lưng do thoát vị đĩa đệm...
  • Rối loạn tuần hoàn: bệnh Raynaud, Buerger, Sudeck, phù nề.
  • Các vết thương, vết loét, sẹo xấu, sẹo lồi.
  • Siêu âm dẫn thuốc.

Chống chỉ định

  • Không điều trị siêu âm các cơ quan dễ tổn thương: mắt, tim, thai nhi, não, tủy, tinh hoàn.
  • Không siêu âm vào cột sống ở vùng mới mổ cắt cung sau đốt sống.
  • Vùng da mất cảm giác.
  • U, viêm tắc tĩnh mạch, viêm nhiễm khuẩn, đái tháo đường, người mang máy tạo nhịp…

Thực hành điều trị

- Siêu âm trực tiếp qua da: đặt đầu siêu âm tiếp xúc với da thông qua một môi trường trung gian để dẫn truyền siêu âm (thường dùng chất gel, dầu, mỡ thuốc, vaselin…).

- Siêu âm qua nước: Nước là môi trường truyền âm tốt, nên người ta có thể dùng làm môi trường trung gian truyền âm: cả đầu phát và bộ phận cơ thể đều ngập trong nước, hướng đầu phát vuông góc với da và cách da khoảng 1-5cm. Thường dùng cho những vùng cơ thể lồi lõm dùng kỹ thuật qua da khó khăn như ngón tay, ngón chân, khớp cổ tay, cổ chân…

- Siêu âm dẫn thuốc: Siêu âm có hiệu ứng cơ học làm tăng tính thấm của các chất qua màng sinh học, lợi dụng tính chất này người ta pha thuốc vào môi trường trung gian để siêu âm đẩy thuốc vào cơ thể, gọi là siêu âm dẫn thuốc.

Trong thực hành, kỹ thuật phát siêu âm có hai cách:

+ Cố định đầu phát siêu âm: Thường dùng với vùng điều trị nhỏ. Chỉ dùng liều thấp <0,3w/cm2 với siêu âm liên tục và 1w/cm2 với siêu âm xung.

+ Di động đầu phát: đầu phát siêu âm được di động chậm theo vòng xoáy, hoặc theo chiều dọc ngang trên vùng da điều trị, luôn đảm bảo đầu phát tiếp xúc với da.

Tin tức khác