Sinh thiết lõi kim là gì

Trong lĩnh vực chẩn đoán ung thư, đặc biệt là ung thư vú thì một trong những phương pháp cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán được sử dụng nhiều nhất hiện nay là sinh thiết lõi kim. Vì ít xâm lấn hơn so với phương pháp mổ sinh thiết truyền thống nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao nên sinh thiết lõi rất hay được chỉ định trong chẩn đoán bệnh lý ung thư vú trong thời gian gần đầy.

Sinh thiết lõi kim là gì?

Để chẩn đoán chính xác các bệnh lý ung thư trong đó có bệnh lý ung thư vú thì kết quả giải phẫu bệnh học thông qua sinh thiết khối u là một trong những tiêu chuẩn không thể thiếu. Từ xưa đến nay phương pháp phẫu thuật sinh thiết truyền thống được xem là lựa chọn đầu tay, nhưng nhược điểm của phương pháp này đó là gây xâm lấn vào cơ thể bệnh nhân và có thể để lại một số biến chứng sau phẫu thuật. Do vậy, phương pháp sinh thiết lõi kim ra đời đã mở ra nhiều hướng đi mới cho lĩnh vực này. Mặc dù ít gây xâm lấn và biến chứng hơn so với phương pháp phẫu thuật nhưng hiệu quả mang lại nhờ vào sinh thiết lõi lại ngang bằng với phương pháp cũ, vì vậy rất được các bác sĩ điều trị ưu tiên lựa chọn trong quá trình thăm khám và chẩn đoán bệnh lý ung thư.

Sinh thiết lõi

Sinh thiết lõi thường được chỉ định sau khi bệnh nhân đã thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng khác như chụp nhũ ảnh trong bệnh lý ung thư vú. Tương tự như phẫu thuật thì sinh thiết lõi cũng cho phép lấy ra một mẫu tế bào trong vùng nghi ngờ có khối u của bệnh nhân, sau đó được làm các test để kiểm tra xem tế bào ở vùng đó có tính chất ác tính như một tế bào ung thư hay không.

Điểm khác biệt lớn nhất so với phương pháp phẫu thuật sinh thiết đó là đối với sinh thiết lõi kim thì bệnh nhân chỉ cần được gây tê tại chỗ và dùng một kim sinh thiết có lõi đâm xuyên qua da đến vị trí nghi ngờ có khối u ung thư, trong khi đó nếu thực hiện phẫu thuật thì bệnh nhân cần phải trải qua quá trình gây mê toàn thân, rạch nhiều lớp trên da để có thể tiếp cận đến vùng có khối ung thư và có khả năng để lại sẹo sau quá trình thực hiện.

Thực tế, nhiều nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ biến chứng xảy ra sau khi thực hiện sinh thiết lõi kim là rất thấp và hiếm khi xảy ra nên đây được xem là một trong những lựa chọn chẩn đoán an toàn cho bệnh nhân tính đến thời điểm hiện tại. Tổng quan, sinh thiết lõi kim được thực hiện nhờ vào một kim có lõi rỗng sẽ được bác sĩ đưa vào mô vú của bệnh nhân sau khi đã thực hiện siêu âm vú để xác định vị trí nghi ngờ khối u. Tiếp đến, những mẫu mô sẽ được lấy và đưa ra ngoài thông qua lõi kim và gửi đến bộ phận thí nghiệm để tiến hành phân tích mẫu.

Các bước tiến hành sinh thiết lõi

Cụ thể, các bước thực hiện kỹ thuật sinh thiết lõi đó là:

  • Sát khuẩn vùng da sẽ chọc kim vào.
  • Trải champ lỗ
  • Gây vô cảm bằng 2ml dung dịch Novocain 3%
  • Tay trái cầm đầu dò siêu âm, còn tay phải của phẫu thuật viên tiêm thuốc tê vào vùng da cần thực hiện thủ thuật.
  • Rạch da bằng dao 2mm dưới chỗ gây tê
  • Dùng Trucut đâm vào vị trí vừa rạch sao cho mũi của kim theo phương song song trục dọc đầu dò siêu âm và thành ngực.
  • Nếu khối u nhỏ thì chỉ cần đâm kim vào vùng cách bờ khối u 1 khoảng 2 – 3cm hoặc ngay vào vùng rìa khối u đối với u lớn hơn.
  • Thực hiện lấy mẫu 5 vị trí theo 5 hướng khác nhau bao quanh khối u
  • Kết thúc thủ thuật bằng việc rút kim và đè ép gạc vào vị trí thực hiện trong thời gian khoảng 5 – 10 phút.

Một số lưu ý trong vấn đề chăm sóc bệnh nhân sau khi thực hiện sinh thiết lõi đó là:

  • Cần cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau trong 5 ngày đầu.
  • Không thực hiện những công việc nặng nề, mang vác bằng cánh tay ở bên phía vú có tổn thương.
  • Nếu có những biểu hiện bất thường như vú sưng to lên, đau nhiều thì cần báo ngay với bác sĩ điều trị để được xử lý.
  • Nếu có tình trạng bầm tím tại vị trí chọc kim thì không nên quá lo lắng vì nó sẽ tự động hết sau khoảng 5 – 7 ngày, nếu vượt quá thời gian này thì báo cho bác sĩ điều trị.
  • Không tắm sau khi làm thủ thuật.
  • Thực hiện thay băng vị trí chọc kim thường xuyên trong 3 ngày đầu, sau đó thì tháo băng.

Chỉ định cụ thể đối với phương pháp sinh thiết lõi kim đó là:

  • Chọc dò FNA có dấu hiệu nghi ngờ ung thư
  • Trên lâm sàng có những dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ ung thư
  • Kết quả siêu âm có dấu hiệu nghi ngờ ung thư
  • Chụp X – quang vú có hình ảnh nghi ngờ ung thư vú
  • Chỉ định khi cần chẩn đoán phân biệt giữa 2 thể u sợi tuyến và u diệp thể
  • Bệnh nhân đã ở ung thư giai đoạn IV và tình trạng sức khỏe không cho phép phẫu thuật triệu căn nên cần thực hiện sinh thiết lõi để tìm tính chất mô bệnh học của khối u, từ đó có hướng điều trị hóa chất phù hợp cho bệnh nhân.

Chống chỉ định tuyệt đối của sinh thiết lõi kim trong chẩn đoán ung thư vú đó là:

  • Bệnh nhân đang đặt túi nước giả ở vú
  • Bệnh nhân đang gặp phải tình trạng nhiễm trùng thấy rõ trên lâm sàng
  • Bệnh nhân có các biểu hiện của tình trạng tụ máu sau chấn thương
  • Bệnh nhân mắc phải những bệnh lý liên quan đến rối loạn đông máu.

Kết luận

Sinh thiết lõi kim là phương pháp lấy mẫu mô tế bào đem đi làm xét nghiệm ít gây biến chứng và xâm lấn nhất hiện nay, và cho kết quả có độ chính xác rất cao. Vì vậy, khi có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ nào bệnh nhân cần đến ngay những cơ sở y tế uy tín và có chuyên môn trong lĩnh vực này để được tư vấn và hướng dẫn thực hiện những kỹ thuật, phương pháp hiện đại mà rất hiệu quả này.

Tin tức khác