Những điều cần biết về Holter Huyết áp

Bệnh tăng huyết áp không ngừng gia tăng không những trên thế giới mà ngay tại nước ta. Hiện nay theo thống kê đã có khoảng 1 tỷ người bị bệnh tăng huyết áp và dự kiến sẽ tăng 1.56 tỷ người vào năm 2025.

Tăng huyết áp là thủ phạm chính gây lên các biến chứng tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận...Do đó việc chẩn đoán xác định tăng huyết áp là việc cực kì quan trọng.

Huyết áp của bạn có thật sự cao?

Bạn lần đầu đi khám, hoặc đã khám vài lần tại  phòng khám Bệnh viện, kết quả là trị số huyết áp luôn luôn ở mức cao (trên 140/90 mmHg hoặc cao hơn nữa). Thế nhưng khi về nhà, huyết áp của bạn lại trở về mức bình thường và bạn vẫn sinh hoạt và vận động một cách bình thường. Vấn đề này chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo sợ, hồi hộp khi đi khám bác sĩ, hay môi trường phòng khám ồn ào, và bạn chưa có được sự chuẩn bị đầy đủ trước khi đo huyết áp. 

Đâu là con số huyết áp thật sự của bạn?

Một trong những phương pháp chẩn đoán tăng huyết áp có thể giảm được sai số khi đo huyết áp tại phòng khám là kĩ thuật  đo huyết áp lưu động (Holter huyết). Nghĩa là bạn sẽ được gắn một thiết bị chuyên dụng liên tục đo và ghi lại mức huyết áp trong các sinh hoạt đời thường. Sau một ngày bạn sẽ biết được con số huyết áp trung bình ngày, đêm hoặc cả ngày và đêm. Tuỳ vào tiêu chuẩn mà bạn được xác định có bị tăng huyết áp hay không.

Holter huyết áp là gì?

Holter Huyết áp là gì?

Là một thiết bị điện tử hoạt động một cách tự động theo chương trình đã cài đặt, giúp đo huyết áp liên tục trong khoảng thời gian nhất định trong ngày, thường là 24h. Máy cho phép ghi lại huyết áp trong suốt thời gian đeo máy, các dữ liệu huyết áp này sẽ được lưu lại. Kích thước của máy thường nhỏ gọn, khoảng 4x6cm. Do đó bệnh nhân có thể đeo bên hông khi đi lại và làm việc. 

Ưu điểm của việc đeo Holter huyết áp

Kĩ thuật đo huyết áp lưu động (Hoter huyết áp 24h) có rất nhiều ưu điểm trong đó phải kế đến là: Giúp tăng độ chính xác trong chẩn đoán xác định tăng huyết áp, làm giảm sai số trong chẩn đoán dẫn đến việc điều trị quá mức cần thiết. Hay  Holter huyết áp còn dùng trong việc đánh giá hiệu quả điều trị của các thuốc điều trị huyết áp. Và  giúp đánh giá nguy cơ xảy ra biến chứng của tăng huyết áp như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận thông qua tình trạng “có trũng huyết áp” về đêm hay không, chỉ xác định được khi đeo Holter huyết áp.

Những ai cần đeo Holter huyết áp?

  • Khi nghi ngờ Tăng huyết áp “áo choàng trắng”, Tăng huyết áp “ẩn giấu”
  • Huyết áp dao động bất thường
  • Nghi ngờ tăng huyết về đêm và trũng HA
  • Cần thêm thông tin để đưa ra quyết định điều trị tăng huyết áp
  • Đánh giá mối liên quan giữa triệu trứng và huyết áp
  • Xác định hiệu quả của thuốc điều trị tăng huyết áp trong 24h
  • Chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp thai kỳ

Việc đeo Holter huyết áp được thực hiện như thế nào?

- Bạn cần tắm rửa sạch sẽ trước khi đeo máy. Tuyệt đối không được tắm rửa trong thời gian đeo máy để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của máy.

- Bạn nên mặc áo rộng rãi giúp cho việc đeo máy được thoải mái nhất.

- Nhân viên y tế sẽ đeo máy Holter huyết áp cho bạn, máy sẽ được cài đặt ở chế độ tự động đo huyết áp mỗi lần cách nhau 15-30 phút ban ngày và 30-60 phút ban đêm. Khi máy bơm hơi để đo huyết áp bạn cần giữ tay cố định, tránh cử động làm sai lệch kết quả.

- Việc cần làm còn lại là bạn chỉ cần ghi lại những sự kiện bất thường vào phiếu Holter huyết áp trong quá trình theo dõi.

Tin tức khác