Những điều cần biết khi nội soi dạ dày

Nội soi thực quản-dạ dày-tá tràng (còn được gọi ngắn gọn là nội soi dạ dày) là một phương pháp chẩn đoán bệnh bằng cách sử dụng một thiết bị quan sát đặc biệt, gọi là ống nội soi.

Nội soi thực quản-dạ dày-tá tràng là gì?

Ống nội soi là một ống soi mềm có bộ phận chiếu sáng và ghi nhận hình ảnh, đường kính tương đương ngón tay út, có các nút điều khiển để quan sát bên trong ống tiêu hóa trên bao gồm thực quản, dạ dày và tá tràng (đoạn đầu tiên của ruột non).

Cần phải chuẩn bị như thế nào trước khi nội soi?

Để đảm bảo nội soi được an toàn và có kết quả tốt, bệnh nhân cần phải nhịn ăn uống trước nội soi tối thiểu 6 giờ để tránh sặc thức ăn và bảo đảm cho việc quan sát, đánh giá tổn thương trong quá trình nội soi. Trong một số bệnh lý đặc biệt như hẹp môn vị…, bệnh nhân cần phải nhịn ăn lâu hơn (12-24 giờ) hoặc phải đặt sonde bơm rửa dạ dày.

Ngoài ra, trước khi nội soi bệnh nhân cần thông tin cho bác sĩ biết các thuốc đang điều trị hiện tại, tiền sử dị ứng thuốc và các bệnh kèm khác. Việc thông tin này nhằm đảm bảo tính an toàn của thủ thuật nội soi. Ví dụ, trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân cần sử dụng kháng sinh trước thủ thuật. Với những bệnh nhân có tiền sử dị ứng thì bác sĩ sẽ tránh sử dụng các thuốc có nguy cơ gây dị ứng…

Tại sao cần phải nội soi dạ dày?

Các rối loạn tiêu hóa rất phổ biến. Nội soi là một phương tiện hữu hiệu trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý này. Bác sĩ sẽ cung cấp cho bệnh nhân những thông tin cần thiết và giải thích chính xác tại sao bạn cần phải nội soi dạ dày.

Nội soi dạ dày thường được chỉ định trong tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ bệnh lý ống tiêu hóa trên như: Đau thượng vị, buồn nôn, nôn mửa, nuốt nghẹn, nuốt khó, các rối loạn tiêu hóa như chậm tiêu, ợ hơi, ợ nóng, nóng rát thượng vị. Các triệu chứng trào ngược, thiếu máu, sụt cân không rõ nguyên nhân, xuất huyết tiêu hóa trên….

Việc chẩn đoán các bệnh lý ống tiêu hóa bằng nội soi có độ chính xác cao hơn so với chụp x-quang hay siêu âm. Ngoài việc chẩn đoán bệnh, nội soi dạ dày còn được chỉ định để lấy các dị vật ống tiêu hóa, điều trị xuất huyết tiêu hóa. Ngoài ra nội soi còn giúp lấy các mẩu mô sinh thiết từ tổn thương hoặc niêm mạc dạ dày để xét nghiệm mô bệnh học trong các trường hợp nghi ngờ ung thư hoặc giúp đánh giá có nhiễm Helicobacter pylori hay không.

Nội soi dạ dày được thực hiện ra sao?

Trước khi nội soi, bệnh nhân sẽ được thăm khám để đánh giá các nguy cơ, chỉ định và chống chỉ định trước thủ thuật. Bệnh nhân phải thông tin cho bác sĩ các thuốc đang dùng, tiển sử dị ứng thuốc và các tình trạng bệnh lý. Bác sĩ nội soi sẽ giải thích các yêu cầu thắc mắc của bệnh nhân cũng như các nguy cơ và rủi ro có thể xảy ra trong quá trình nội soi.

Trước khi soi tất cả bệnh nhân được xịt thuốc tê vào họng để giảm sự khó chịu trong suốt quá trình soi. Bệnh nhân sẽ được nằm nghiêng bên trái, hoàn toàn thư giãn, hít thở sâu. Bác sĩ nội soi sẽ đưa ống soi vào miệng, qua họng, đến thực quản, dạ dày và tá tràng để quan sát bề mặt niêm mạc, đánh giá và ghi nhận tổn thương, chụp hình lưu trữ. Thời gian nội soi thông thường từ 3 đến 5 phút.

Nội soi dạ dày có nguy hiểm không?

Nhìn chung, nội soi dạ dày là một thủ thuật rất an toàn nếu bác sĩ nội soi được đào tạo tốt và có kinh nghiệm, hầu hết các trường hợp có thể thực hiện cho bệnh nhân ngoại trú. Biến chứng do nội soi thường gặp là thủng ống tiêu hóa nhưng rất hiếm.

Một số bệnh nhân có thể có hơi đau họng hoặc có cảm giác khó chịu ở họng sau khi soi. Những khó chịu này thường hết sau 30-45 phút. Do tác dụng của thuốc gây tê tại chỗ cho bệnh nhân chỉ được phép ăn uống trở lại sau 30-45 phút sau soi.

Khi nào sẽ có kết quả nội soi?

Thông thường bệnh nhân sẽ có kết quả sau 30 phút, khi đó sẽ có kết quả nội soi và kết quả urease test (để tìm vi khuẩn gây bệnh dạ dày Helicobacter pylori).

Trong trường hợp có các tổn thương nghi ngờ, bác sĩ nội soi sẽ lấy mẩu mô tổn thương để xét nghiệm mô bệnh học thì kết quả xét nghiệm này sẽ có sau 3-4 ngày.
 

Tin tức khác